“Dạy” cha mẹ trong hoang mang

Vô tình đọc được bài báo phỏng vấn của tác giả cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”. Mình tâm đắc quá.

Mình tâm đắc với vai trò là một người con.

Không biết có bao nhiêu bạn đã chứng kiến cha hoặc mẹ của mình đánh mất chính mình.

Họ từng là một người có phẩm chất. Và cuộc sống dần bào mòn, biến họ thành quỷ dữ. Tất cả những gì họ dạy là phù phiếm, giận dữ, trách móc, tham lam, và bịa đặt để cứu vớt danh dự.

Bây giờ cha mẹ dạy con trong hoang mang thì con cái cũng buộc phải trưởng thành đủ nhanh để dám nhìn thẳng cha mẹ mình và “điều trị” họ, cũng trong hoang mang và sợ hãi.

Cha mẹ dạy con đôi lúc vô cùng nản.

Con cái khuyên bảo cha mẹ đem về thất vọng cũng không ít.

Còn nhỏ thì con cái bướng. Khi lớn lên thì cha mẹ bảo thủ.

Cha mẹ hy sinh tuổi xuân dạy con thì con cái dạy được cha mẹ cũng phải “ăn gian” tuổi trẻ để mới có bản lĩnh đủ để đứng ngang với họ.

Đôi lúc mình cảm thấy, là một cuộc chiến mệt mỏi,

phần được đôi khi vẫn là sự trưởng thành đầy sẹo,

hạnh phúc đổi lại chẳng bao nhiêu.

“Cha mẹ muốn con mình hạnh phúc thì bản thân họ phải hạnh phúc.”

(TS. Lê Nguyên Phương)

Không thể đúng hơn.

Mình cảm thấy buồn. Ba mẹ mình ít khi hạnh phúc.

Mình có một ngôi nhà rất to. Nhưng trống rỗng.

Hạnh phúc ở bữa cơm là gì, đối với mình thật đáng đố kị với gia đình của nhiều người dù họ chẳng hề là triệu phú.

Mỗi lần nhà có tiệc, bà chị nói, nếu không biết chuyện chắc người ta nghĩ nhà mình vui lắm Ki nhỉ?

Cảm thấy có một vết chém rất bén vào lòng.

Nhà mình hôm đó đã diễn tròn vai.

Không phải đứa trẻ nào cũng đủ may mắn để sống sót qua những lời dạy dỗ từ những người cha người mẹ không được hạnh phúc, đầy giận dữ, và hay cuồng ngôn.

“Mày là loài này, loài nọ.”

Mình hỏi “Mẹ có bao giờ tự nhìn lại mình một chút nào không”

Nói chung, đó cũng chỉ là câu hỏi gợi ý để trị liệu. Nhưng mình cũng thừa biết, tư duy là chìa khoá của mọi giải pháp mà tư duy của Mẹ mình vẫn đóng chặt.

Nói về giáo dục gia đình, mình nghĩ mình là một trong những đứa trẻ may mắn “sống sót” và có khả năng tự điều chỉnh hệ giá trị mình theo đuổi, lớn đủ kịp để may mắn còn làm bạn được với Ba.

Quá trình làm bạn, cũng may mắn, từ lời xin lỗi dù cũng muộn từ Ba. Nhưng không sao, xưa nay cha mẹ xin lỗi, gạt được cái tôi qua một bên có mấy ai.

Ba là “học trò” duy nhất thành công trong khoá “Con khuyên lại cha mẹ” của mình.

Cảm ơn Ba rất nhiều. Lâu rồi mới thấy Ba hạnh phúc.

Còn công cuộc kéo người đàn bà cô độc kia ra khỏi cái tôi mụ mị thì chắc còn bỏ ngỏ một đoạn dài . . .

mstruonganh

Olivia, Peace & The Olive Tree | www.mstruonganh.com