Đúng ngày này năm ngoái, August 27, 2014 là An vừa đặt chân đến Florence để học trao đổi tiếp một học kì nữa. Trước đó, 2013, An đi Pháp học kinh tế. Lần đi Ý này là đi học vẽ sơn dầu, in ấn, thiết kế, lịch sử và tôn giáo. Không phải tính toán tài chính, không phải tính xác suất thống kê.
Chuyến đi là để sống thật với một nửa còn lại của mình.
Mọi người bảo sao sướng thế, được đi nhiều, bao nhiêu tín chỉ đều được chuyển về trường Mỹ, học bổng cũng được cho phép chuyển sang. Nhưng cái gì mà không phải đấu tranh, cái gì không có cái giá.
Ngẫm lại mới thấy bản thân lúc trẻ mới dám điên đi email 1 chục Giáo sư, cả Provost, thiếu điều là Hiệu trưởng khi phát hiện trường không cho học sinh quốc tế đi trao đổi ở bất kì đâu bình đẳng như tụi Mỹ. Lúc đó đã đệ đơn đi Thổ Nhĩ Kỳ, đọc nát cái website, hỏi đi hỏi lại “em có đạt mọi yêu cầu để đi Turkey không?” thì chẳng ai nói gì. Đến lúc lớp sắp xếp xong rồi, sẵn sàng sạch bách chỉ còn đóng tiền thôi thì mới lòi ra “A em này học sinh quốc tế, phải đóng full, không được có học bổng nếu muốn đi Thổ nha cưng”
Vỡ mộng.
Và trong một đêm thu rét mướt, cái email định mệnh thể hiện sự bất nhẫn vì bị phân biệt đối xử đã được bắn ra. Sáng ra, có thầy an ủi, có cô nói không nên vì trường đang nghèo không cho đi đâu đừng cãi nữa, thầy Giám đốc phụ trách chương trình khuyên thôi chọn đi cái nào mà trường cho đi cho lành, thế là chọn đi Pháp. Xong thầy Advisor vịn lại hỏi có phải vì có ai đe hoạ mà tự dưng thay đổi kế hoạch không. Nếu vì thế thì thầy đấu tranh chung đến cùng luôn. Nói chung là cảm động vì một đứa da vàng nhỏ thó cũng được quan tâm chính đáng. Tóm lại là cũng nguôi ngoai, dù đi Pháp học chương trình tiếng Anh là thấy nguy cơ rồi. Nhưng thôi, cái chính là đã bay được là cứ bay cho tới bến!
Thế là cuối năm 2 đi Pháp. Năm 3 học trọn 1 năm ở Mỹ. Trời thương, cái email thần thánh hôm nọ đã được đệ lên “trển” và bằng cách nào đó đã thay đổi chính sách cho học sinh quốc tế được chọn đi trao đổi ở bất kì các nước. Cảm ơn Alum cựu CEO của AIG đã tặng trường em 10 triệu đô đủ để xây building mới và cho một lũ ngoại đạo được có tiền để bay nhảy như các bạn bản xứ.
Và lúc cho đi thì An năm cuối cmnr… Đi thì phải xin petition. Và đi thì lỡ luôn cả mùa tuyển dụng của các công ty tại Mỹ. Công ty lớn người ta tuyển lựa mùa thu để hè là hốt luôn nhân viên mới. Đi Ý cũng đâu đó đồng nghĩa với thất nghiệp là vậy đó.
“Thôi cuộc đời có mấy khi được học cái mình thích. Có gia đình, công việc rồi thì khó lắm con ạ. Đi đi con.” Ba đã mở lối :(( & đó là toàn bộ câu chuyện vì sao có một đứa hâm đi Ý học vẽ dù chuyên ngành chính là Kinh tế.
Và giữa một ngày thu đang ăn cà rem, đang hạnh phúc tràn trề bỗng nghĩ tại sao mùa xuân quay lại Mỹ phải làm luận án, phải thi cử tốt nghiệp, phải kiếm việc và quắn lên xoắn trong vỏn vẹn 4 tháng khốn khổ của đời sinh viên để làm gì -.- Cũng vì không cam lòng nên đã quyết định gap year.
Nói chung con An là một con cũng ất ơ, kể chuyện phong long. Ai tin thì tin. Không tin cũng không thành vấn nạn của xã hội. Cuộc sống quá nhiều thị phi để có thể nói thật và cũng quá bận để chứng minh những gì mình nói là chân thành. Xin lỗi An, vẫn phải tiếp tục làm bình phong cho Anh…
Một năm rồi kể từ ngày đến Ý, học xong rồi thình lình quyết định gap year về Việt Nam cho đến nay chưa dám viết một cái gì đàng hoàng cho bản thân vì sợ phải nhớ lại những gì đã xảy ra. Những tháng ngày ở Ý rất đẹp, cho đến phút chót nửa đêm tại ga tàu bị cướp hết túi, laptop giấy tờ bốc hơi còn đúng passport lết về lại Mỹ để dọn nhà về Việt Nam vẫn còn thấy chẳng kinh khủng hụt hẫng bằng những gì đã diễn ra ở nơi mình từng trưởng thành. Có nhiều giá trị tưởng không thể nào sụp đổ cũng đã thành vụn vỡ, lần cấp cứu tứ chi co quắp không thể điều khiển được và tin tưởng về sự mạnh mẽ của bản thân cũng lung lay. Rốt cuộc thì có cái gì là vững chãi đâu và mình là nạn nhân của những va chạm xung quanh cũng là lẽ thường. Không biết có phải do may mắn mà An học được cách thích nghi, hay cũng chỉ do mình và những người khác cố gắng vô tâm. Nhưng dù sao, bây giờ đã có thể thở dễ hơn những chuỗi ngày mệt mỏi vừa qua…
Con người ta có nhiều cái khổ, trong đó có việc không thể nói những gì mình đã dẫm qua, vết cắt như thế nào, đau ra sao, phải tự hứng chịu vì sự thật gây phương hại quá nhiều người.
May mắn An vẫn còn có những mảng ký ức đẹp trước khi bị cuốn vào cái vòng xoáy đi làm kiếm tiền nuôi thân nuôi em sau khi ra trường. Vẫn còn may mắn từng được chiều chiều thả bộ một mình trên những cây cầu thần thánh cũ kĩ ngàn năm, ăn bánh sừng trâu vừa ra lò lúc nửa đêm trước khi người ta giao những mẻ bánh lớn cho các tiệm nhỏ hơn vào sáng sớm, uống cappuccino 1 đồng gần nhà, rượu đổ làm sốt cà chua ăn mỗi ngày vì cả chai có 3 đồng, ăn parmigiano chấm giấm Modena như snack. Sáng nghịch màu, chiều cán mực in, tối mần máy design logo, học lịch sử và được tận mắt “chạm” vào những gì nó để lại…
Ngồi nhớ lại kể ra muốn khóc quá. Vì chắc sau này sẽ không bao giờ sẽ sống lại được như thế nữa.
Lo toan về gia đình, sự nghiệp, cao học bây giờ đã bủa vây rồi.
Mà ở nhà vẽ tranh, ba nuôi thì có gi sai chời… >.<
Sài Gòn, 27/08/2015
Very tthoughtful blog
LikeLiked by 1 person